Quản trị mạng là làm gì?

08.07.19 05:18 PM Nhận xét Bởi Anln

Quản trị mạng là gì? Nghề quản trị mạng làm gì? Giám sát và Quản trị Hệ thống mạng doanh nghiệp làm gì? Đây là những câu hỏi mà rất nhiều bạn Sinh viên đặt ra, đôi khi các Phụ huynh cũng rất quan tâm đến câu hỏi này để tư vấn cho các con khi lựa chọn ngành học và nghề ra làm sau này. Xét theo tổng quan thì từ "quản trị mạng" nó rất rộng, rộng hơn nữa khi áp dụng vào trong Doanh nghiệp.


Quản trị mạng - Nghề quản trị mạng

     Xét theo một khía cạnh nào đó: Người quản trị mạng có nhiệm vụ lắp đặt phần cứng, cài đặt phần mềm, hỗ trợ quản lý mạng và hệ thống máy tính giúp thông tin luôn được lưu thông. Khi xẩy ra sự cố họ sẽ khắc phục sự cố mạng và đảm bảo hiệu năng hoạt động của hệ thống, đảm bảo an ninh mạng.

Trong thời đại 4.0 - Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh, hội tụ nhiều công nghệ, trong đó cốt lõi là công nghệ thông tin (CNTT). Công nghệ thông tin xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực như: dịch vụ thông minh 4.0, nông nghiệp thông minh 4.0, y tế thông minh 4.0, giáo dục thông minh 4.0, giao thông thông minh 4.0, kinh tế 4.0… Tất cả đều liên quan tới lõi là hạ tầng hệ thống mạng.

     Kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Thế giới thực phát triển mạnh, từ con người, xe cộ, nhà cửa, tài sản, công ty, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này sẽ chuyển đổi sang thế giới số. Bản sao của thế giới thực trên nền thế giới số sẽ phát triển rất mạnh. Thế nhưng thế giới số cũng tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin, xẩy ra sự cố làm gián đoạn hoạt động, điều đó đặt ra một thách thức lớn về nguồn nhân lực cũng như những người làm quản trị mạng chuyên nghiệp… Lúc này nghề quản trị mạng sẽ rất bùng nổ, học xong có thể áp dụng ngay để vận hành cho chính gia đình mình đang ở và mọi người xung quanh rồi tới công việc ở các Doanh nghiệp.

Trước thời kỳ 4.0 mọi người thường hình dung quản trị mạng chỉ quản lý các thiết bị mạng phần cứng, đi dây, kéo dây, đấu nối cáp, cài đặt máy tính vật lý và quản lý hạ tầng mạng trong một doanh nghiệp. Nhưng từ khi thời đại 4.0 bùng nổ thì phạm vi của hệ thông mạng không còn ở trong hạ tầng vật lý nữa mà nó đã kết nối và đẩy lên cả Cloud, đẩy lên các Platform của Zoho, Amazon, Google... hệ thống được kết nối trên toàn cầu không xẩy ra gián đoạn. Lấy một ví dụ: Một Website https://quantrimangdn.com lúc đầu được đặt trên Server vật lý local, sau đó mở rộng đặt lên VPS thuê của Viettel sau đó chuyển lên Platform của Zoho. Như vậy một bạn quản trị mạng sẽ cần rất nhiều kỹ năng để thích ứng. Đương nhiên chúng ta chỉ cần học một phần hoặc một mảng nào đó đã có thể đi làm được rồi.


Công việc thông thường của một nhân viên quản trị mạng doanh nghiệp

·  Lắp đặt, đấu nối, cấu hình hệ thống mạng máy tính nội bộ của công ty đảm bảo ra ngoài Internet 24/7.

·  Xác định, khắc phục sự cố, giải quyết và ghi lại các vấn đề kết nối thông qua giám sát hiệu suất hệ thống mạng và tối ưu hóa hệ thống mạng mạng để có tốc độ và tính sẵn sàng cao.

·  Cài đặt và hỗ trợ điện thoại đường dây cứng và các thiết bị viễn thông nối mạng khác.

·  Cài đặt, cấu hình và duy trì phần cứng mạng, ví dụ, Router và Switc Cisco.

·  Phân tích, triển khai, cấu hình và nâng cấp phần mềm mạng, chẳng hạn như chương trình chuẩn đoán hoặc diệt virus doanh nghiệp.

·  Triển khai và duy trì các hệ thống sao lưu và khôi phục khẩn cấp cho các máy chủ mạng quan trọng: Web, Mail, File...

·  Quản trị viên hệ thống mạng mạng có nhiệm vụ điều chỉnh quyền truy cập của người dùng vào các file nhạy cảm để bảo vệ chống lại vi phạm an ninh nội bộ.

·  Trong các công ty vừa và nhỏ, quản trị viên mạng thường chịu trách nhiệm về hỗ trợ máy tính để bàn, laptop của người dùng cuối và bảo trì máy chủ cũng như các thiết bị được kết nối mạng khác.

·  Đôi khi người quản trị mạng của công ty kiêm thêm quản trị Website của công ty như đăng bài, up bài làm SEO….


Kỹ năng cần để trở thành một người quản trị mạng doanh nghiệp

     Nếu muốn lương cao trong ngành Công nghệ thông tin, thông thường bạn sẽ cần giỏi khá nhiều kỹ năng. Nhưng vị trí quản trị mạng không đòi hỏi nhiều như vậy, bạn chỉ cần nằm được những kỹ năng cơ bản và giỏi nghiệp vụ là được. Đương nhiên kỹ năng mềm sẽ rất quan trọng và hỗ trợ cho bạn rất nhiều.

Kỹ năng cần có của một quản trị viên đối với quản trị mạng doanh nghiệp

·  Kỹ năng về phần cứng: Lắp ráp, thay thế phần cứng của máy tính Laptop, máy tính để bàn, máy chủ khi xẩy ra sự cố (lỗi ổ cứng, lỗi Ram, lỗi CPU...).

·  Quản trị hệ thống mạng: kết nối dây, đi dây, bấm dây, cấu hình Switch, cấu hình Router, cấu hình định tuyến, cấu hình VLAN, cấu hình NAT, cấu hình ACL….

·  Quản trị máy chủ Linux như: CentOS, Ubuntu, Debian, Fedora…

·  Quản trị máy chủ Windows Server: 2003, 2008, 2012, 2016, 2019…

·  Hỗ trợ kỹ thuật cho người dùng trong công ty.

·  Cài đặt phần mềm cơ bản và nâng cao: phần mềm cơ bản như Office, bộ gõ… phần mềm nâng cao như Web, Mail, File….

·  Quản lý tổng đài, kết nối tổng đài

·  Quản lý Tường lửa: tường lửa mềm như Pfsense, ISA… tường lửa cứng như Fortinet, CheckPoint…

·  Kỹ năng làm việc với các dịch vụ Cloud, các Platform của Zoho, Amazon, Google, Facebook….


Kỹ năng mềm cần có của quản trị đối với quản trị mạng doanh nghiệp

·  Giải quyết vấn đề và một số lỗi khi sự cố xẩy ra

·  Kỹ năng giao tiếp với khách hàng, nhân viên trong công ty.

·  Kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc và đội nhóm.

·  Kỹ năng lên kế hoạch làm việc: kế hoạch tuần, tháng, quý, năm…

·  Kỹ năng tự nghiên cứu

·  Kỹ năng quản trị dự án

·  Dịch vụ khách hàng: Có thể kết hợp sử dụng những công nghệ 4.0 của Zoho, Google, Amazon… để quản lý khách hàng.


Yêu cầu bằng cấp đối với nghề quản trị mạng

     Đối với những bạn làm tự do thì khi chuyển sang nghề quản trị mạng sẽ rất vất vả vì chưa được trang bị nền tảng kiến thức như những bạn sinh viên CNTT. Nhưng với sự quyết tâm bạn có thể vẫn theo được nghề này. Bạn có thể chọn học CCNA, MCSA, LINUX, Kỹ thuật viên máy tính, từ những môn này giúp bạn trang bị kiến thức vào làm việc (hoàn toàn các bạn có thể tự học nhưng nên đến các trung tâm để cập nhật nhanh hơn).

     Đối với những người theo con đường học bài bản: Nghề quản trị mạng yêu cầu phải có bằng trung cấp, cao đẳng, cử nhân hoặc bằng thạc sỹ về khoa học máy tính, quản trị mạng và bảo mật, kỹ thuật hệ thống hoặc một lĩnh vực có liên quan. Sau khi hoàn thành một chương trình giáo dục chính thức, quản trị viên mạng có thể nâng cao kiến thức của bản thân và tăng cơ hội việc làm, thăng tiến bằng cách lấy thêm những chứng chỉ mạng như chứng chỉ: Kỹ thuật viên máy tính, Network+ của CompTIA, CCNA của Cisco, chứng chỉ MCSA của Microsoft, LPIC của Linux Professional Institute, Ảo hóa của Vmware hoặc Openstack, Security+ của CompTIA, CEH của EC-Council và các chứng chỉ cao hơn nữa theo ngành dọc... Các chứng chỉ này sẽ giúp bạn có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ khi tuyển dụng hoặc xét lương. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp cũng là chìa khóa quan trọng vì các quản trị viên mạng cần truyền đạt các ý tưởng phức tạp và giải pháp cho những nhân viên kỹ thuật cũng như những người không có kiến thức về chuyên ngành này.

     Hệ thống mạng máy tính là một lĩnh vực phong phú và rộng lớn, vượt ra ngoài các khái niệm cơ bản, hãy chọn những ngành bạn quan tâm hoặc các kỹ năng mạng “hot” hiện nay như ảo hóa hoặc điện toán đám mây, bảo mật...

     Ngoại ngữ - ở đây là tiếng Anh cũng hết sức quan trọng. Vì đa phần tài liệu chia sẻ trên mạng Internet đều dưới dạng ngôn ngữ tiếng Anh, các loại tài liệu nghiên cứu cũng bằng tiếng Anh.


Giám sát và Quản trị Hệ thống Mạng Doanh nghiệp theo ISO20,000 và ISO27,000

     Trên website Quantrimangdn.com, chúng tôi có đề cập đến một trong những giải pháp Công nghệ từ ManageEngine.com được sử dụng rất rộng rãi, phù hợp với các Quy định tại Vietnam theo chuẩn ISO20,000 và ISO27000 và Giám sát, Quản trị và Bảo mật Mạng Doanh nghiệp.

     ManageEngine đưa CNTT lại gần nhau, là giải pháp dành cho các nhóm Quản trị Dịch vụ và Quản trị Vận hành cần cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ thời gian thực, được sự tín nhiệm từ hơn 60% các doanh nghiệp góp mặt trong bảng xếp hạng Fortune 500.

     Hơn 500 Doanh nghiệp vừa và lớn của Việt Nam ứng dụng các giải pháp từ ManageEngine, đảm bảo mối liên kết chặt chẽ giữa kinh doanh, công nghệ thông tin và hiệu suất tối ưu cho cơ sở hạ tầng CNTT, bao gồm mạng, máy chủ, ứng dụng, máy tính Desktop và các tài nguyên công nghệ thông tin khác, cung cấp giải pháp quản trị từ đầu cuối tới đầu cuối kịp theo thời đại 4.0. Ngoài ra còn có nhiều công cụ để các bạn trang bị khi quản trị hệ thống mạng doanh nghiệp như: Zoho.com, Site24x7.com kết nối người dùng vào thế giới phẳng.


Bài tiếp theo: Lộ trình học quản trị mạng và bảo mật

https://www.quantrimangdn.com/blogs/post/quan-tri-mang


Video tham khảo: Xây dựng giả lập hệ thống mạng doanh nghiệp có Firewall bảo vệ

“Bài viết chỉ mang tính tham khảo, và không thể đi sâu hết các khía cạnh, các bạn có thể gửi thông tin phản hồi để mình bổ sung thêm Ths. Lê Ngọc An, Email: jenitps@gmail.com”.

Anln

Chia sẻ -